Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia đầu mối, phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo xây dựng Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số y tế đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án) nhằm thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo số 203/TB-VPCP ngày 06/5/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc kết luận Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Đề án nhằm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số y tế, phù hợp với quy hoạch tổng về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số y tế bám sát chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ Y tế tại Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15/11/2022 và các nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao Bộ Y tế về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các lĩnh vực, tuân thủ khung kiến trúc Chính phủ Việt Nam, hướng tới Chính phủ số.
Đề án được đề xuất xây dựng nhằm mục đích: (1) Xây dựng, hoàn thiện trung tâm dữ liệu y tế thống nhất từ trung ương đến địa phương; (2) Hình thành dữ liệu trên toàn diện các lĩnh vực y tế theo hướng bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, giúp ngành y tế có đầy đủ dữ liệu để quản lý ngành ngày một tốt hơn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới, thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (3) Bảo đảm khai thác hiệu quả dữ liệu y tế từ trung ương đến địa phương an toàn, an ninh mạng; (4) Tạo cơ chế phối hợp, phát triển, chia sẻ, kết nối khai thác sử dụng tài nguyên số dùng chung, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tạo ra lợi ích mới, giáo trị mới đột phá cho y tế; (5) Nâng cao nhận thức, kỹ năng của đội ngũ quản lý y tế, công chức, viên chức ngành y tế; người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả trên môi trường số.
Về quan điểm xây dựng Đề án: Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong chuyển đổi số y tế từ trung ương đến địa phương và lĩnh vực chuyên ngành; Góp phần hình thành cơ chế, khung nội dung cho ngành y tế để thực hiện chuyển đổi số thông suốt từ trung ương đến địa phương; Tận dụng hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia đảm bảo đồng bộ, bảo mật, tránh lãng phí.
Mục tiêu của Đề án: Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, hiệu quả; Phục vụ công tác cải cách hành chính; Công tác quản lý điều hành của ngành Y tế được chuyển đổi thực hiện trên môi trường số.
Nhiệm vụ của Đề án (gồm 05 nhóm nhiệm vụ phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia và đáp ứng yêu cầu quản lý ngành y tế): (1) Chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế; (2) Hình thành hạ tầng trung tâm dữ liệu y tế; (3) Hình thành hạ tầng dữ liệu y tế; (4) Phát triển và khai thác dữ liệu thông qua hệ thống thông tin, nền tảng số; (5) Tổ chức quản lý vận hành, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Giải pháp thực hiện của Đề án (xác định 06 nhóm giải pháp phù hợp với các nhóm giải pháp được đưa ra tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và đặc thù của ngành y tế) gồm: (1) Tổ chức bộ máy; (2) Tuyên truyền, phổ biến, chuyển biến nhận thức; (3) Phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số y tế; (4) Kết nối, chia sẻ; (5) Giám sát, đánh giá; (6) Đảm bảo nguồn lực.
Về kinh phí thực hiện:
Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và quy định của pháp luật liên quan; kinh phí lồng ghép từ các chương trình, đề án, dự án có liên quan; các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Cụ thể là:
Kết hợp lồng ghép hợp lý, linh hoạt các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án đầu tư công, cân đối từ nguồn chi thường xuyên, ngân sách sự nghiệp hàng năm đã được cấp có thẩm quyền quyết định để triển khai các nhiệm vụ của Đề án. Xây dựng và hoàn thiện các chính sách khuyến khích thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư, triển khai nhanh các nội dung trọng điểm. Khuyến khích sử dụng hình thức thuê dịch vụ, đối tác công tư, giao nhiệm vụ, hình thức đặt hàng tùy theo từng nhiệm vụ cụ thể.
Huy động tối đa sự ủng hộ và hỗ trợ nguồn vốn từ cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tăng cường năng lực cán bộ.
Đến nay, Đề án cơ bản đã hoàn thành dự thảo trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị và dự kiến sẽ trình Thủ tướng trong thời gian tới.