Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế. Nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của các cơ sở khám, chữa bênh, các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã tích cực nghiên cứu, phát triển các ứng dụng, trong đó, phải kể đến Hệ thống thông tin bệnh viện (Hospital Information System – HIS).
Nhằm quy hoạch và thúc đẩy hệ sinh thái chuyển đổi số tại các cơ sở khám, chữa bệnh tiến tới triển khai bệnh án điện tử, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 và Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018. Tuy nhiên, đến nay số lượng các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước được công nhận triển khai thành công bệnh án điện tử đang dừng ở con số 86 (công bố tại https://benhandientu.moh.gov.vn). Nguyên nhân chính là do các cơ sở khám, chữa bệnh lúng túng trong việc thực hiện thủ tục đầu tư, mua sắm và chưa tìm được giải pháp kỹ thuật phù hợp.
Với việc công bố Hệ thống thông tin bệnh viện mã nguồn mở sẽ tháo gỡ và mang lại cho các cơ sở khám, chữa bệnh hai lợi ích: Phần mềm mã nguồn mở được đăng tải công khai lên Internet để các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng miễn phí và không cần thực hiện quy trình mua sắm, đầu tư; Huy động sự đóng góp của cộng đồng công nghệ thông tin cùng chung tay cập nhật hoàn thiện phần mềm. Các cơ sở khám, chữa bệnh được sử dụng giải pháp phần mềm có chất lượng và được cập nhật liên tục.
Để có cơ sở công bố, Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia đã tổ chức đánh giá chất lượng phần mềm. Phần mềm được đánh giá đạt Mức 7 theo nhóm tiêu chí hệ thống thông tin bệnh viện tại Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế và có thể tích hợp đầy đủ các hệ thống liên quan phục vụ quy trình quản lý tổng thể và chuyển đổi số bệnh viện, cụ thể: Hệ thống phần mềm bệnh án điện tử (EMR); Hệ thống phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS); Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS); Hệ thống phần mềm hoá đơn điện tử; Hệ thống thanh toán điện tử; Hệ thống phần mềm quản lý điều hành (quản lý tài sản, nhân sự, chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học,….) và các ứng dụng khác dành cho người bệnh. Ngoài ra, phần mềm được đánh giá đạt yêu cầu về an toàn thông tin.
Phần mềm đáp ứng nghiệp vụ các cơ sở khám, chữa bệnh đa khoa và các chuyên khoa: Tim; Da liễu; Mắt; YHCT; Phổi thuộc các ngành: Y tế; Công an; Quân đội; Nông nghiệp; Than, khoáng sản. Phần mềm có hơn 1.000 chức năng, 1.098 điều kiện cấu hình, 100 danh mục và 80 cấu hình tùy chỉnh quy trình nghiệp vụ theo yêu cầu.
Kết quả đánh giá, phần mềm đủ điều kiện để công bố thành phần mềm mã nguồn mở theo giấy phép GPL v3 (GNU General Public License – Giấy phép công cộng GNU) là giấy phép phần mềm mã nguồn mở phổ biến nhất.
Nội dung mở cung cấp cho cộng đồng gồm: Mã nguồn phần mềm; Cấu trúc cơ sở dữ liệu; Tài liệu hướng dẫn cài đặt, triển khai, vận hành; Tài liệu yêu cầu hạ tầng; Tài liệu hướng dẫn sử dụng và được công bố tại địa chỉ: https://github.com/vietsens/hisnguonmo. Việc công bố phần mềm HIS mã nguồn mở đáp ứng tiêu chí về tính mở và tính bền vững của phần mềm theo quy định tại Thông tư số 20/2014/TT-BTTTT ngày 20/01/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông, cụ thể: Phần mềm đảm bảo các quyền: Tự do sử dụng phần mềm không phải trả phí bản quyền; Tự do phân phối lại phần mềm; Tự do sửa đổi phần mềm theo nhu cầu sử dụng; Tự do phân phối lại phần mềm đã chỉnh sửa (có thể thu phí hoặc miễn phí); Phần mềm có bản mã nguồn, bản cài đặt được cung cấp miễn phí trên mạng (Internet), có sẵn tài liệu hướng dẫn cài đặt, tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt; Phần mềm có điểm ngưỡng thất bại PoF (Point of Failure) từ 50 điểm trở xuống và điểm mô hình độ chín nguồn mở OSMM (Open Source Maturity Model) từ 60 điểm trở lên.
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng phần mềm HIS mã nguồn mở, Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia sẽ triển khai các việc sau: Ban hành kế hoạch thúc đẩy triển khai và sử dụng phần mềm HIS mã nguồn mở; Tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn triển khai phần mềm HIS mã nguồn mở tại 63 tỉnh, thành phố; Xây dựng Cổng thông tin và Chợ ứng dụng HIS mã nguồn mở với mục đích kết nối và huy động sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng, nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng cập nhật hoàn thiện phần mềm.
Mọi vấn đề cần hỗ trợ, giải đáp về phần mềm HIS mã nguồn mở, xin liên hệ:
Trung Tâm Thông Tin Y Tế Quốc gia – Bộ Y tế; Địa chỉ: 135 P. Núi Trúc, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại: 024.37368315 (máy lẻ 18, 22); Hotline: 1900 8255; Thư điện tử: tyqg@moh.gov.vn.
Nguồn: Bộ Y tế