Bệnh gout là một dạng viêm khớp phổ biến, người bệnh thường chịu những
cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối, kèm theo
cơn đau là hiện tượng sưng đỏ, thậm chí không đi lại được do đau. Ở Việt Nam, tỷ
lệ người mắc bệnh gout ngày càng trẻ hóa độ tuổi từ 35 - 45, căn bệnh rất phổ
biến, thực tế có khoảng 35% dân số phải sống chung với bệnh này. Cứ 100 người
trưởng thành thì lại có 2-5 người bị viêm khớp. Đây là tình trạng một hoặc nhiều
khớp xương bị kích ứng gây viêm. Gout được biết đến là bệnh viêm khớp do vi
tinh thể, đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát.
Quan niệm trước đây cho rằng gout là “bệnh nhà giàu” và chỉ có ảnh hưởng
đến nam giới. Thực tế cho thấy, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh ngày càng nhiều đặc biệt ở
nhóm phụ nữ đã mãn kinh. Bên cạnh đó, khi đời sống được nâng cao hơn, nguồn thực
phẩm đa dạng và chế độ ăn không lành mạnh đã khiến căn bệnh này ngày càng tăng
và trẻ hóa.
Ngày nay, lối sinh hoạt thoải mái thái quá của các bạn trẻ trong ăn uống
và thiếu chú trọng giữ gìn sức khỏe là một nguyên nhân chủ chốt. Thanh niên hiện
nay xem việc ăn nhậu là hình thức giao tiếp chính, để giải quyết mọi công việc
lớn nhỏ. Bên cạnh đó, khi công nghệ thông tin phát triển, thời gian ngồi trước
máy tính nhiều khiến cho hoạt động thể chất không đủ, nhịp sinh học bị xáo trộn
cũng là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh.
Bệnh gout có thể phòng được bằng cách: Xây dựng một lối sống lành mạnh,
ăn uống điều độ, không lạm dụng bia và rượu. Mọi người nên hạn chế ăn các loại
thực phẩm: nội tạng động vật; một số loại cá (cá mòi, cá hồi, cá trích …); tôm,
cua, ốc,… Đặc biệt là những người có bệnh lý ở thận, gan. Rèn luyện thể dục, thể
thao thường xuyên là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Thứ nữa là phải uống nhiều nước, một người bình thường nên uống 1,5 -2
lít nước trong một ngày, còn người vận động chơi thể thao, hay bóng đá, hay vận
động nặng thì uống nhiều hơn. Khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm và điều
trị kịp thời những bệnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
@ THY THY