BỆNH THIẾU MÁU THIẾU SẮT
16/08/2023
Lượt xem: 374
Bệnh thiếu máu thiếu sắt là bệnh lý rất phổ biến, đây là tình trạng
trong máu thiếu các tế bào hồng cầu khỏe mạnh để có thể mang oxy đến các mô của
cơ thể. Thiếu máu do thiếu sắt là do không đủ sắt. Nếu không có đủ sắt, cơ thể không
thể sản xuất đủ một chất trong tế bào hồng cầu, giúp vận chuyển oxy - đó là
hemoglobin. Vì vậy, tình trạng thiếu máu do thiếu sắt có thể khiến người bệnh
mệt mỏi và khó thở.
Thiếu máu thiếu sắt có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên phụ nữ và trẻ
em là dễ mắc nhất. Phụ nữ khi mang thai lượng sắt lại cần nhiều hơn cho sự phát
triển thai nhi và tăng thể tích máu ở người mẹ nên dễ thiếu sắt. Trẻ em là
những đối tượng nguy cơ cao, nhất là trẻ sơ sinh vì lúc này cơ thể đang phát
triển nhanh nên có nhu cầu cao nhưng trữ lượng sắt lại ít. Đặc biệt, khi trẻ
không được bú sữa mẹ mà phải bú sữa ngoài thì việc hấp thu sắt rất kém dễ dẫn
đến thiếu máu thiếu sắt.
Để hạn chế tỷ lệ thiếu máu thiếu
sắt mọi người nên có chế độ ăn đầy đủ chất sắt. Phụ nữ có thai và cho con bú
phải ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là các thực phẩm có chứa nhiều
sắt (rau có màu xanh đậm, phủ tang động vật, thịt đỏ). Thực hiện cho trẻ bú mẹ
hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho bú đến 24 tháng tuổi. Đến 6
tháng, cho trẻ ăn bổ sung với đầy đủ các chất dinh dưỡng từ 4 nhóm thực phẩm
(chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng), đặc biệt chú
trọng các loại thực phẩm giàu sắt và vitamin C (giúp tăng cường hấp thu sắt).
Cần tẩy giun định kỳ hàng năm, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ trên 2 tuổi.
Thường xuyên vệ sinh môi trường, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…
Ngoài ra, phụ nữ mang thai nên uống viên sắt từ khi phát hiện mang thai và uống
cho đến 01 tháng sau sinh. Tuyệt đối không được tự ý mua các loại thực phẩm
chức năng bổ sung sắt trên thị trường khi chưa tham khảo ý kiến của các bác sỹ.
Bởi điều này đôi khi có thể dẫn đến những tác dụng ngược gây ảnh hưởng nghiêm
trọng đến sức khỏe.
Khi có các biểu hiện của thiếu sắt: thiếu máu, mệt mỏi, biếng ăn,…cần đi
khám cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
@ THY THY