Dẫu bệnh dại được phòng ngừa bằng vắc
xin, nhưng do khó khăn về tài chính, người có hoàn cảnh khó khăn, người ở vùng
sâu, vùng xa chưa thể tiếp cận tiêm vắc xin. Để giải quyết vấn đề này, doanh
nghiệp tài trợ vắc xin phòng bệnh dại miễn phí, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng,
giảm thiểu tỷ lệ tử vong do bệnh dại tại Bình Thuận.
Tài trợ 500 liều vắc
xin phòng bệnh dại
Những năm qua, bệnh dại đã gây ra nhiều
ca tử vong tại Bình Thuận, chủ yếu do chó, mèo cắn. Cụ thể, năm 2023, toàn tỉnh
ghi nhận 4 ca tử vong vì bệnh dại. Tuy nhiên, tình hình không cải thiện mà còn
có xu hướng gia tăng, với 10 ca tử vong trong năm 2024 – con số cao nhất cả nước.
Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2025, tỉnh tiếp tục ghi nhận 1 ca tử vong
do bệnh dại tại La Dạ (Hàm Thuận Bắc). Đáng chú ý, tất cả các trường hợp tử
vong đều là những người không được tiêm vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại sau
khi bị chó, mèo cắn. Hầu hết nạn nhân thuộc nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số
và những người sinh sống ở các vùng khó khăn, đó là thông tin của Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật tỉnh.
Số ca tử vong dại xảy ra liên tục nhiều
năm liền tại tỉnh ít nhiều phản ánh sự tiếp cận các dịch vụ y tế về tiêm phòng
bệnh dại, với người khó khăn, thu nhập thấp là câu chuyện đầy thách thức. Mặc
dù bệnh dại có thể phòng ngừa hoàn toàn nếu được tiêm vắc xin kịp thời, nhưng
vì thiếu điều kiện tài chính, không loại trừ yếu tố không được thông tin đầy đủ,
người có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa... không thể tiếp cận được vắc
xin phòng bệnh dại.
Bác sĩ Võ Văn Hạnh - Giám đốc Trung
tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Để giảm thiểu tình trạng tử vong do bệnh
dại, một giải pháp quan trọng là cung cấp vắc xin miễn phí cho người nghèo, người
khó khăn, vùng sâu, vùng xa… Một doanh nghiệp tài trợ cho Bình Thuận 500 liều vắc
xin phòng bệnh dại. Số vắc xin này sẽ được phân bổ cho các trung tâm y tế tuyến
huyện trong tỉnh để tiêm phòng cho người dân.
Cho hộ nghèo, cận
nghèo, diện chính sách
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh,
các trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dại miễn phí
cho người thuộc hộ nghèo và cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại
Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021-2025;
đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã, phường, thị trấn thuộc
vùng khó khăn theo Quyết định số 1010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Người thuộc
diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, một
số tình huống khẩn cấp, phòng chống dịch dại, những trường hợp nhân đạo có thể
được tiêm vắc xin theo quyết định của lãnh đạo trung tâm y tế các huyện, thị
nơi tiếp nhận vắc xin.
Với người được tiêm, thủ tục đi tiêm
vắc xin phòng dại miễn phí có sổ hộ nghèo, cận nghèo, hoặc danh sách hộ nghèo,
thuộc diện chính sách hoặc xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn. Khi đến
khám, tư vấn, tiêm, ngoài giấy tờ vừa nêu trên, người bệnh mang theo căn cước
công dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh. Mỗi lần đến tiêm, bệnh nhân ký vào danh
sách tiêm, tương ứng mũi tiêm. Các trường hợp khác có quyết định của ban lãnh đạo
trung tâm y tế các huyện, danh sách ký nhận kèm theo.
Bác sĩ Hạnh cho biết thêm: Thời gian
tiêm vắc xin miễn phí bắt đầu từ tháng 2/2025, kéo dài đến khi hết số vắc xin
tài trợ. Trung tâm y tế các huyện, thị xã sẽ tiếp nhận vắc xin, triển khai tiêm
theo đúng quy định, đảm bảo việc tiêm phòng cho các đối tượng đúng cách, an
toàn và thuận lợi.
Với chương trình tiêm vắc xin miễn
phí cùng các biện pháp khác như tuyên truyền, tư vấn… ý thức cộng đồng về sự
quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại để bảo vệ sức khỏe được nâng
cao. Từ đó, tỷ lệ tử vong do bệnh dại ở Bình Thuận sẽ được giảm thiểu.
8 huyện nhận vắc xin
phòng bệnh dại miễn phí:
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phân bổ 500 liều vắc xin phòng bệnh dại
miễn phí cho 8 trung tâm y tế cấp huyện. Đó là Tuy Phong được cấp 60 liều, Hàm
Thuận Bắc 80 liều. Các huyện Hàm Thuận Nam, Đức Linh và Phú Quý là 50 liều. Hàm
Tân, Bắc Bình và Tánh Linh được 70 liều.
Theo Báo Bình Thuận