Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH),
mật độ muỗi Aedes tăng những tháng đầu năm 2025 tại Tuy Phong, đặc biệt Phan Rí
Cửa. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời như diệt muỗi và tuyên truyền
phòng chống SXH, thì nguy cơ số ca mắc lan rộng.
Từ đầu năm 2025 đến nay, huyện Tuy
Phong ghi nhận 24 ca mắc SXH và 1 ổ dịch. Trong đó, thị trấn Phan Rí Cửa có số
ca mắc cao nhất với 7 ca (bao gồm 1 ca nặng), chiếm gần 30% tổng số ca mắc của
toàn huyện. Số ca mắc năm nay có sự gia tăng rõ so với cùng kỳ năm 2024 không
ghi nhận ổ dịch và số ca mắc. Tỷ lệ mắc SXH tại Tuy Phong hiện là 16,6
ca/100.000 dân, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ năm 2024 (0 ca/100.000 dân). Mặc
dù số ca mắc không quá lớn, nhưng sự xuất hiện của ổ dịch và tỷ lệ mắc tăng cao
cảnh báo nguy cơ số ca mắc bệnh có thể lan rộng trong cộng đồng nếu không có biện
pháp ngăn chặn kịp thời.
Kiểm tra hồ nước, duyệt lăng quăng.
Dựa trên kết quả điều tra véc tơ hàng
tháng tại huyện Tuy Phong, chỉ số dụng cụ chứa nước có bọ gậy, lăng quăng dao động
16,6 - 27 trong 100 hộ gia đình được điều tra. Trong đó, Phan Rí Cửa có chỉ số
cao nhất với 27, tiếp theo là xã Hòa Minh 26 và xã Chí Công. Tương tự, chỉ số
nhà có bọ gậy/lăng quăng dao động từ 16,6% đến 26,6%, cho thấy sự phân bố rộng
rãi của lăng quăng trong các hộ gia đình. Chỉ số dụng cụ chứa nước có bọ gậy/lăng
quăng dao động từ 9,6% đến 19,5%, một tỷ lệ đáng kể các dụng cụ chứa nước đang
là nơi sinh sản của lăng quăng. Đáng chú ý, chỉ số mật độ muỗi trung bình trong
mỗi hộ gia đình dao động từ 0,16 đến 0,67 con/nhà, với Phan Rí Cửa ghi nhận mật
độ muỗi cao nhất là 0,67 con/nhà. Tỷ lệ nhà có muỗi dao động từ 16,6% đến 30%,
cho thấy sự hiện diện của muỗi Aedes trong một số lượng đáng kể các hộ gia
đình.
So với mức trung bình của tỉnh, mật độ
lăng quăng và muỗi Aedes aegypti tại Tuy Phong, đặc biệt là tại Phan Rí Cửa, có
mức độ cao hơn. Những số liệu này chỉ ra rằng nguy cơ gia tăng số ca mắc sốt xuất
huyết tại Tuy Phong cao hơn so với các khu vực khác trong tỉnh. Điều này đặc biệt
đáng lo ngại nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả trong những tháng tới,
khi thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của muỗi.
Để kiểm soát tình hình số ca mắc,
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trung tâm sẽ tiến hành giám sát lại
các chỉ số véc tơ truyền bệnh SXH trên địa bàn tỉnh nói chung, Tuy Phong nói
riêng để khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Hỗ trợ công tác truyền thông
phòng, chống SXH, cấp hóa chất xử lý ổ dịch. Cùng với đó, là đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người dân về các biện pháp phòng, chống
SXH. Tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi
tại các khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, vận động người dân vệ sinh môi trường
quanh nhà, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng trong và xung quanh nhà; mắc mùng
khi ngủ, xoa kem xua muỗi…
Nguồn: Báo Bình Thuận