Banner
NUÔI THÚ CƯNG, LÀM SAO ĐỂ AN TOÀN
Lượt xem: 46
Hiện nay, nhiều gia đình có sở thích nuôi thú cưng trong nhà, một số loài dễ thương hiền lành thường được chọn nuôi như chó, mèo,... Những con vật này nhiều khi trở thành người bạn của con người. Những chú chó có thể giữ nhà, mèo có thể bắt chuột, hay một số loài khác có thể góp thêm niềm vui trong cuộc sống của con người… Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực do nuôi thú cưng mang lại còn tiềm ẩn rất nhiều nguy hại về sức khỏe.
anh tin bai

Khi nuôi thú cưng, nhiều người thường có thói quen gần gũi chúng, ôm ấp, hôn hít, dắt đi dạo, thậm chí là ăn chung và ngủ chung... dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe con người, nhất là trẻ em. Mầm bệnh (ký sinh trùng) trên cơ thể chó, mèo có thể lây sang những người sống chung, lây truyền một số bệnh ký sinh trùng như:
Giun đũa chó, mèo:
Bệnh giun đũa chó là bệnh truyền nhiễm mà nguồn lây chính là từ chó, mèo nuôi trong nhà có mang mầm bệnh.
Các giun đũa chó, mèo sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường và phát triển thành trứng có phôi, nó tồn tại rất lâu ở môi trường bên ngoài, có thể trong nhiều tháng và chính những trứng có phôi này là tác nhân lây nhiễm cho người. Khi chúng ta ăn hay uống phải trứng giun đũa, khi đó trở thành người nhiễm bệnh.
Khi vào cơ thể người, ấu trùng được đi thẳng vào ruột non, sau đó chúng đi theo đường máu di chuyển đến các tạng khác nhau, tại đây chúng có thể sinh tồn nhiều năm dưới dạng tự do hay hóa kén, nhưng không bao giờ phát triển thành con trưởng thành.
Các biểu hiện của bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó rất đa dạng cho nên dễ nhầm với các bệnh khác, thông thường bệnh biểu hiện các triệu chứng: Sốt, gan to và bị hoại tử, lách to, triệu chứng hô hấp giống như hen suyễn, bạch cầu ái toan tăng (tỷ lệ có thể đến 70%), ngoài ra có thể gặp viêm cơ tim, viêm thận, hệ thần kinh trung ương bị thương tổn. Thể ấu trùng di chuyển ở mắt thường gặp ở trẻ từ 5 đến 10 tuổi với triệu chứng giảm thị lực một bên mắt với đôi khi bị lé mắt. Mức độ suy giảm thị lực tuỳ thuộc vào vùng bị thương tổn (võng mạc, điểm vàng).
Giun móc chó, mèo:
Giun móc chó, mèo thường sống ký sinh ở trong ruột chó, mèo. Người bị nhiễm giun móc chó, mèo thường do tiếp xúc với đất, cát ở ngoài môi trường sống bị ô nhiễm phân chó, mèo có ấu trùng giai đoạn dễ lây nhiễm.
Ấu trùng đi qua da nhiễm vào cơ thể, thường ở vùng da tay, da chân và di chuyển ở mô dưới da. Bệnh thường gặp ở những người làm việc vườn, trẻ em chơi nghịch đất cát... Ấu trùng giun có thể tồn tại vài tuần, thậm chí kéo dài hàng tháng.
Bệnh sán dải chó, mèo:
Sán trưởng thành trong ruột non của chó và mèo. Đốt sán già theo phân hoặc bò ra ngoài qua hậu môn. Trứng sán được phóng thích khi đốt sán co bóp hoặc khi đốt sán bị tiêu nát. Trứng được phát tán ra môi trường hoặc bám vào lông hay ở quanh hậu môn của chó.
Đường lây truyền: Những động vật như chó, mèo bị nhiễm là do nuốt bọ chét có mang ấu trùng đuôi. Ở người, hầu hết các ca bệnh nhiễm ký sinh trùng sán dải chó được phát hiện là ở trẻ em, có thể do phơi nhiễm/tiếp xúc với các động vật này hoặc tuổi “dung nạp” của trẻ. Sự lan truyền bệnh xảy ra do tình cờ nuốt bọ chét có mang ấu trùng đuôi có trong thực phẩm, nước, móng tay, tiếp xúc mật thiết với các thú cưng như liếm, hôn; giữa miệng của trẻ với miệng của chó, mèo là đường lan truyền quan trọng để chuyển mầm bệnh từ lưỡi của chó, mèo sang người. Trẻ em bị bệnh thường bị rối loạn tiêu hóa nhẹ. Khi trẻ bị nhiễm nhiều sán, trẻ sẽ có cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, đau thượng vị, ngứa hậu môn, tiêu chảy, dị ứng.
Biện pháp phòng ngừa bệnh:
Để phòng tránh bệnh do thú cưng lây nhiễm sang, khi nuôi thú cưng, mỗi người cần có ý thức vệ sinh cá nhân và giữ gìn vệ sinh cộng đồng. Vệ sinh môi trường sống xung quanh, đặc biệt là khu vực có phân chó, phân mèo, khu vực trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi tiếp xúc với vật nuôi và trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn. Thực hiện ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không ăn các loại thịt tái, sống. Nếu ăn các loại rau sống thì phải đảm bảo chúng được rửa sạch, không còn mầm bệnh.
Đối với thú cưng, cần tắm cho chúng thường xuyên để loại bỏ trứng giun, sán và các loài ngoại ký sinh ra khỏi lông. Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác, không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân. Định kỳ tẩy giun cho chó, mèo, đồng thời tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin dành cho vật nuôi. Không nuôi những vật nuôi hoang dã, không rõ nguồn gốc trong nhà.
M.N

Chuyên mục
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang