Nấm
da là một loại bệnh do vi nấm ký sinh trên da gây ra. Bệnh tuy không cấp tính,
không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng rất dễ lây lan, hay tái phát và tốn kém
trong điều trị.

Bệnh
nấm da có thể do nhiều tác nhân khác gây ra nhưng phổ biến nhất là nấm sợi và một
số loài nấm mốc. Tỷ lệ mắc bệnh có thể khác nhau giữa các quốc gia, các chủng tộc,
các vùng khí hậu nhưng nhìn chung ước tính có khoảng 20%-25% dân số trên thế giới
mắc bệnh này. Đặc biệt, vùng có khí hậu nóng ẩm thuận lợi cho vi nấm phát triển
và gây bệnh. Bệnh có thể lây truyền qua các đường như: Từ người sang người qua
tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Từ động vật sang người do tiếp xúc với động
vật mắc bệnh, như khi vuốt ve hoặc chải lông cho chó, mèo… Bên cạnh đó, bệnh nấm
da cũng có thể lây từ đồ vật sang người do dùng chung những đồ vật của người bị
nhiễm bệnh như: quần áo, khăn tắm, nón, lược hoặc bàn chải… Ngoài ra, các yếu tố
thuận lợi cũng rất dễ dẫn đến bệnh này: Khí hậu nóng, ẩm, cơ thể ra nhiều mồ
hôi, vệ sinh ra kém. Đặc biệt, những người mắc bệnh nội tiết, những người có bệnh
nặng, suy giảm miễn dịch cũng có thể dẫn đến nấm da…
Bệnh
nấm da không chỉ gây ra cảm giác ngứa ngáy, đau rát, mưng mủ, lở loét, khó chịu
mà còn làm cho người bệnh thấy phiền toái, ngại giao tiếp, giảm chất lượng cuộc
sống. Vì thế, để phòng ngừa bệnh nấm da, trước hết, chúng ta tránh tiếp xúc trực
tiếp với nguồn lây nhiễm: Không dùng chung lược, nón, khăn tắm, quần áo… với
người bệnh. Hạn chế tiếp xúc, gần gũi, chung đụng với vật nuôi trong nhà như
chó mèo… nhất là khi vật nuôi bị rụng lông bất thường. Cần giữ vệ sinh cơ thể,
đặc biệt là da phải khô ráo, sạch sẽ, nhất là tại các nếp gấp của cơ thể, những
người làm công việc thường xuyên nhúng tay chân vào nước thì phải đeo găng, khi
thấy dấu hiệu nấm da cần phải đến bác sỹ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán
và làm các xét nghiệm cần thiết để có những chỉ định điều trị đúng bệnh, đúng
thuốc, hạn chế lây lan và tái phát.
@ THY THY